Hiện nay ở hầu hết các cơ sở trồng lan hồ điệp, công việc điều tiết để hoa nở theo ý muốn đều áp dụng xử lý ở nhiệt độ thấp bằng cách chuyển cây lên các vùng có khí hậu mát mẻ như Sa Pa, Mộc Châu. Đây là những vùng có sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm từ 10-12 độ C, ánh sáng từ 10.000-25.000 lux, độ ẩm từ 70-80%... là những điều kiện thuận lợi giúp cây lan hồ điệp phân hóa mầm hoa, ra hoa đúng theo ý muốn.

147220233773967-lan

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, nếu dựa vào điều kiện khí hậu của các vùng núi cao như Sa Pa, Mộc Châu để điều tiết lan hồ điệp nở hoa thì các hộ trồng sẽ gặp một số khó khăn như phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, không điều khiển chính xác được điều kiện nhiệt độ, ánh sáng theo yêu cầu của cây. Chỉ xử lý cho cây ra hoa được 1vụ/năm mà không cho hoa quanh năm theo yêu cầu của thị trường, nhất là thị trường nước ngoài. Chất lượng hoa cũng kém hơn như cành ngắn, cong queo không thẳng, hoa nhỏ, cây bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển, dễ nhiễm nấm bệnh và virus.

Trước thực trạng đó, thời gian vừa qua, quy trình xử lý lạnh hoa lan hồ điệp mà không cần chuyển đến những địa phương có khí hậu mát mẻ đã được PGS.TS Hoàng Ngọc Thuận nghiên cứu và thực hiện thành công tại Công ty Cổ phần giống vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam.

Tiêu chuẩn cây lan hồ điệp khi xử lý lạnh là cây có từ 4-5 lá, trong đó có 3-4 lá đủ tiêu chuẩn với chiều dài lá trung bình 20cm, là lúc cây có khả năng phân hóa mầm hoa trong điều kiện nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, nhiệt độ và thời gian xử lý phụ thuộc vào giống cũng như mùa vụ trong năm, vì vậy phương pháp điều chỉnh cũng cần linh hoạt.

Thông thường để hoa lan hồ điệp nở đúng dịp Tết Nguyên đán thì thời gian xử lý lạnh vào khoảng từ 4,5-5 tháng trước Tết, với thời gian xử lý kéo dài từ 45-60 ngày.

Trong phòng xử lý lạnh, ban đêm nhiệt độ được yêu cầu là 18 độ C, ban ngày là 24 độ C, ẩm độ từ 60-80%, ánh sáng từ 9.000-16.000 lux.